HOẠCH ĐỊNH CHIẾN LƯỢC MARKETING LÀ GÌ?
HOẠCH ĐỊNH CHIẾN LƯỢC MARKETING LÀ GÌ?
1, CHIẾN LƯỢC
Để tìm hiểu về hoạch định chiến lược marketing, trước hết chúng ta cần tìm hiểu chiến lược là gì? Có rất nhiều định nghĩa chiến lược. Trong từ điển American Dictionary, “chiến lược là khoa học và nghệ thuật về quân sự được áp dụng vào việc kế hoạch hoá tổng thể và thực hiện trên toàn cục diện”. Có định nghĩa cho rằng, chiến lược là một lộ trình, trong đó, chỉ ra cách thức chủ thể cần làm gì để đi từ vị trí hiện tại tới vị trí mà chủ thể mong muốn đạt tới.
2, CHIẾN LƯỢC KINH DOANH
Jauch và Gluck (1993) thì cho rằng, “Chiến lược kinh doanh là một kế hoạch duy nhất, chung và liên kết các nguồn lực của doanh nghiệp với các cơ hội kinh doanh. Nó gắn các ưu thế chiến lược của một doanh nghiệp với những thách đố của môi trường.
Chiến lược được trình bày sao cho đảm bảo rằng các mục tiêu cơ bản của doanh nghiệp đạt được nhờ việc thực thi các hoạt động thích ứng”.
Trong giới hạn nghiên cứu của học phần này, có thể hiểu “chiến lược kinh doanh là tập hợp các quyết định và các hoạt động liên quan đến việc lựa chọn các phương tiện và phân bổ các nguồn lực của doanh nghiệp nhằm đạt được các mục tiêu đã xác định”.
Chiến lược kinh doanh là toàn bộ chương trình hành động dài hạn của doanh nghiệp sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực nhằm đạt được mục tiêu và nhiệm vụ đã đặt ra.
3, HOẠCH ĐỊNH CHIẾN LƯỢC
Để có một chiến lược kinh doanh, một chiến lược marketing nhằm hướng tới mục tiêu đề ra, cần có hoạt động “hoạch định” rõ ràng. Hoạch định chiến lược kinh doanh là một phương thức lập luận, một quy trình tạo thuận lợi cho việc phân tích đúng đắn tình hình và thực hiện tốt nhất các mục tiêu.
Hoạch định chiến lược bao gồm:
(1) Phân tích kinh tế: mô tả các đặc điểm khách quan của doanh nghiệp và môi trường của nó. Đó là: phương tiện, kinh nghiệm chuyên môn, chuỗi hành động, thị trường tiềm năng, chiến thuật cạnh tranh, quy mô đầu tư tối thiểu về mặt kinh tế, lựa chọn bổ sung.
(2) Phân tích phương diện chính trị và con người:
làm rõ sự tồn tại của các tác nhân với những mục tiêu cá nhân khi theo đuổi các mục đích đôi kho trái ngược nhau, qua đó có thể giúp cho việc thực hiện chiến lược hoặc ngược lại, gây nên sự thiệt hại không thể sửa chữa được.
Để hoạch định chiến lược đạt hiệu quả cao, cần phối hợp cả hai hoạt động trên để đảm bảo tất cả các bên, các tác nhân đều tham gia tốt và sâu vào quá trình hoạch định, hiểu rõ nội dung của từng bước, qua đó thực hiện chiến lược theo đúng lộ trình và hướng tới mục tiêu đã xác định, giảm bớt những trở ngại hay mẫu thuẫn hiện có, sử dụng tốt
nhất các nguồn khả năng của tổ chức trong việc khai thác các cơ hội thị trường.
Cũng có thể xem việc hoạch định chiến lược là việc thiết lập các giai đoạn phát triển cho những bước còn lại trong quá trình phát triển của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thường hoạch định những kế hoạch năm, những kế hoạch dài hạn và những kế hoạch chiến lược. Các kế hoạch năm và kế hoạch dài hạn sẽ giúp giải quyết tình hình kinh doanh hiện tại của một doanh nghiệp và giúp cho việc kinh doanh phát triển. Trong khi đó, hoạch định chiến lược giúp doanh nghiệp thích nghi để nắm bắt những cơ hội kinh doanh trong điều kiện môi trường biến đổi liên tục.
Hoạch định chiến lược theo quan điểm marketing là một quá trình quản trị nhằm tạo ra và duy trì sự ăn khớp giữa các mục tiêu và khả năng của doanh nghiệp với các cơ hội thị trường đầy biến động.
4, CHIẾN LƯỢC MARKETING
Với cách hiểu về chiến lược kinh doanh như trên, chiến lược marketing được hiểu “là tư tưởng định hướng marketing chỉ đạo đơn vị kinh doanh với hi vọng đạt được các mục tiêu marketing”. Một chiến lược marketing bao gồm những chương trình marketing
cụ thể hơn cho thị trường mục tiêu, định vị, marketing hỗn hợp và các mức chi phí marketing. Chiến lược marketing vạch ra cách thức một doanh nghiệp đem lại giá trị cho các khách hàng mục tiêu để có được giá trị cho chính mình. Trong phần này, những người lập kế hoạch giải thích từng chiến lược ứng với các cơ hội, thách thức đã được chỉ ra trong những phần trước của bản kế hoạch. Chương trình hành động cũng vạch ra những biện pháp bổ trợ khác nhằm thực hiện chiến lược marketing và chi tiết ngân sách marketing hỗ trợ cho chương trình hành động. Phần cuối vạch ra những biện pháp kiểm
soát được sử dụng trong quá trình kiểm soát., đo lường lợi nhuận đầu tư trên hoạt động marketing và những biện pháp chỉnh sửa.
Chiến lược marketing là một tập hợp các nguyên tắc và định hướng dẫn dắt hoạt động marketing của doanh nghiệp trên thị trường trong một khoảng thời gian nhất định.
Chiến lược marketing là tập hợp tất cả các kế hoạch và công việc cần được thực hiện để hướng tới mục tiêu cụ thể và rõ rang đã tuyên bố về một thương hiệu hoặc sản phẩm trên thương trường. Chiến lược cung cấp các định hướng về phân đoạn thị trường, lựa chọn thị trường mục tiêu, định vị, các yếu tố của marketing hỗn hợp và chi phí. Chiến lược marketing thường là một phần không thể tách rời của chiến lược kinh doanh. Nó cung cấp định hướng hoạt động cho tất cả các chức năng quản trị khác. Chiến lược xác định rõ các mục tiêu marketing nhất định của doanh nghiệp và một tập hợp định hướng chiến lược để đạt được mục tiêu đó.
Chiến lược tốt là điểm khởi đầu hướng tới hoạt động marketing thành công.
Nhưng chiến lược marketing không thể thành công nếu doanh nghiệp thất bại trong việc thực hiện. Thực hiện hoạt động marketing là quá trình biến những kế hoạch marketing thành những hoạt động marketing để hoàn thành những mục tiêu marketing chiến lược.
Trong khi lập kế hoạch marketing trả lời câu hỏi làm gì và tại sao cho hoạt động marketing, việc thực hiện các hoạt động marketing giải quyết câu hỏi ai, ở đâu, khi nào và như thế nào?
5, HOẠCH ĐỊNH CHIẾN LƯỢC MARKETING
Khái niệm về quản trị marketing đã được nghiên cứu kĩ ở chương trước, và một trong những công việc quan trọng nhất của nhà quản trị chính là hoạch định chiến lược marketing. Vậy, hoạch định chiến lược marketing là gì? Hoạch định chiến lược
marketing được định nghĩa là quá trình phát triển và duy trì sự thích ứng mang tính chiến lược giữa mục tiêu và nguồn lực của doanh nghiệp với những cơ hội marketing luôn thay đổi. Để có được đối tượng để quản trị- hoạt động marketing, nhà quản trị phải xây dựng
kế hoạch marketing và tổ chức thực hiện chúng. Do đó, hoạch định chiến lược marketing còn được xem là quá trình các nhà quản trị marketing lên lịch cho thời gian tư duy của mình. Họ phải ra quyết định về các chiến lược marketing giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu chiến lược tổng thể của mình. Mỗi một đơn vị kinh doanh, một sản phẩm hay nhãn hiệu cần một kế hoạch marketing chi tiết.
(In Nguyễn Lê tổng hợp)